Hành trình qua 3 nước và đi bộ về Hà Nội


Lâm Thị Thanh Huyền và chiếc chứng minh thư đã giúp cô tìm lại gia đình
Chẳng ai có thể ngờ người con gái có gương mặt tươi trẻ, còn phảng phất nét hồn nhiên lại có một cuộc đời ly kỳ đến thế.

Hơn một nghìn ngày mất tích, mất trí nhớ, cô sinh viên Việt Nam xuất sắc đã bắt đầu những năm tháng đọa đày khi từ Australia qua Mỹ, một ngày kia chui trong con-te-nơ trên một chiếc tàu chở hàng vượt đại đương về Trung Quốc.

Để rồi từ Trung Quốc về Lạng Sơn và từ Lạng Sơn đi bộ về Hà Nội trong tình trạng chẳng biết mình là ai?...

Ngay từ nhỏ, Lâm Thị Thanh Huyền đã tỏ ra thông minh khác thường. Hồi mới lên ba ở quê nhà Phú Xuyên – Hà Tây, chỉ nghe anh chị đọc bài học thuộc lòng vài lần, Huyền đã nhớ rồi đọc lại vanh vách.

Chính vì thế mà bố của Huyền - ông Lâm Văn Bảng, một thương binh nặng - đã xiết bao kỳ vọng vào cô con gái mà mình rất mực thương yêu.

Và thực tế, từ lớp một cho đến khi vào đại học, Huyền luôn giành được những kết quả xuất sắc trong học tập. Tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1997, Huyền thi đỗ Đại học Giao thông Vận tải với số điểm cao.

Nhưng học hết năm thứ nhất, cảm thấy không hợp, Huyền quyết định thi vào khoa Toán – Tin Đại học Quốc gia và trúng tuyển. Học đến năm thứ 2, Huyền vượt qua nhiều sinh viên khác để giành học bổng du học ở Australia.

Đêm trước ngày sang xứ người, Huyền trò chuyện tâm tình với bố đến quá nửa đêm. Món quà ông Bảng tặng con gái chẳng nặng về vật chất. Ông mở tủ lấy ra một vật được gói ghém cẩn thận. Đó là cuốn sách “Gương Nhân - Quả” do Thành hội Phật giáo TP.HCM xuất bản. Ông Bảng mua năm 1995 và thuộc làu từng câu từng chữ.

Bây giờ ông trao sách cho con gái, giọng rưng rưng: “Đây là cuốn sách bố thích, sang đó khi gặp khó khăn, con hãy đọc nó. Nó sẽ giúp con vượt qua”. Ông Bảng ghi số điện thoại gia đình và tên mình vào gáy sách. Nhưng chẳng hiểu sao lần này, ông lại ghi chữ “Bảng” thành chữ “Bang”.

Cả hai bố con đều không ngờ rằng cuốn “Gương Nhân - Quả”, trở thành một “ân nhân”, một điểm “cởi nút” quan trọng trong vở kịch trên sân khấu cuộc đời đầy éo le, lạ lùng mà Huyền đóng vai chính.

Tại họa kinh hoàng trên đất khách

Huyền sang Australia, học ở thành phố Sydney, viết thư đều đặn về nhà và cuốn “Gương Nhân – Quả” trở thành sách gối đầu giường.

Cuộc sống ở xứ lạ bớt cô đơn hơn khi Huyền trở nên thân thiết với hàng xóm – một phụ nữ người Pháp. Bà người Pháp cảm mến cô sinh viên Việt Nam ngoan hiền, nết na nên nhận Huyền làm con nuôi. Họ thường xuyên qua lại chăm sóc nhau như ruột thịt.

Bỗng một ngày Huyền bị sốt li bì, nằm liệt giường. Mấy hôm không thấy cô con gái nuôi sang chơi, bà mẹ người Pháp vội vàng qua nhà Huyền. Bà lập tức đưa Huyền đi bệnh viện. Bác sỹ kết luận: Huyền bị viêm não biến chứng rất nặng.

Tất cả các bệnh viện ở Australia đều bó tay với trường hợp này. Muốn cứu Huyền, phải đưa cô sang một bệnh viện tốt nhất ở Mỹ. Chẳng chút đắn đo, bà mẹ Pháp đã làm thủ tục để Huyền sang Mỹ điều trị.

Các bác sỹ ở Mỹ sau khi xem xét kỹ bệnh tình của Huyền, đã khẳng định: Muốn cứu tính mạng, phải phẫu thuật, nhưng phẫu thuật có thể sẽ mất trí nhớ. Giữa tính mạng và trí nhớ, chọn cái nào? Dĩ nhiên, không khó để đưa ra câu trả lời.

Cuộc phẫu thuật đã cứu sống Huyền, sức khỏe dần hồi phục nhưng trí nhớ của cô như một vùng sương khói mờ ảo. Họa vô đơn chí, khi hai mẹ con đang trên đường ra sân bay trở về Australia thì lại hứng chịu một tai nạn giao thông khủng khiếp.

Một chiếc xe đâm vào ôtô Huyền ngồi, những chiếc thùng rất lớn lao xuống... Cô tỉnh lại trong bệnh viện và không thấy bà mẹ nuôi người Pháp đâu nữa. Bà đã chết? Hay bà không tìm thấy Huyền? Bà mẹ nuôi nhân hậu đã biến mất khỏi cuộc đời Huyền từ đấy.

Trong cái bệnh viện xa lạ đó, Huyền tự hỏi mình là ai? Vì sao lại ở nơi này? Huyền không thể trả lời. Trí nhớ cô chẳng khác nào một ổ dữ kiện trong máy tính đã bị xóa sạch.

Trống rỗng, xám xịt. Đến mức Huyền không thể biết mình tên gì? Người nước nào, học ở đâu, bố mẹ là ai? Cô như người từ hành tinh khác lạc vào trái đất, và ký ức là một vùng “chân không” hun hút. Sự mất trí nhớ càng trở nên tai hại hơn khi tất cả giấy tờ của Huyền bị mất hết sau vụ tai nạn.

Giọng Huyền nhỏ nhẹ : “ Lúc ấy, ký ức về từ những ngày học ở Australia và tất cả quá khứ của tôi bị xóa hết. Tôi chỉ nhớ những gì diễn ra sau khi rời khỏi bệnh viện ở Mỹ”.

Người con gái gầy gò, ốm yếu, đầu không còn tóc sau lần phẫu thuật ấy lê bước ra cổng bệnh viện ở thành phố New York, chẳng một ai đến đón, chẳng biết đi đâu về đâu giữa nước Mỹ rộng lớn và xa lạ. Và một câu hỏi luôn nhói lên: “Mình là ai?”.

Huyền đứng bên đường, túi chẳng có một đồng, tài sản nếu kể ra thì chỉ còn bộ quần áo đang mặc mà thôi. Dường như chẳng còn ai có thể nghèo hơn bởi vì ngay một kẻ hành khất rách nát nhất thì vẫn còn ký ức, trí nhớ. Đói.

Cơn đói đến với Huyền chầm chậm nhưng mỗi lúc một dữ dội. Huyền bỗng nhìn thấy một đám trẻ nhiều màu da đang đi trên đường. Chẳng hiểu ai xui khiến, Huyền nhập vào đám trẻ đó. Đám trẻ đi vào một nhà hàng để rửa thuê chai lọ. Huyền cùng làm việc với chúng. Gầy gò nhỏ bé, trông cô gái người Việt này chẳng khác nào một đứa trẻ.

Vì thế mà ngay cả đám trẻ con cũng không nhận thấy có một người lớn nhập bọn. Công việc rửa chai lọ chỉ được trả công bằng một bữa ăn, không có tiền lương. Nhưng với Huyền như vậy cũng tốt lắm rồi, vì đó là cách giúp cô sống qua ngày trong cuộc hành trình tìm lại chính mình.

“Làm ơn cho tôi biết tôi là ai?”

Hôm ấy đang rửa chai lọ ở nhà hàng, Huyền được một bà người Hoa chuyên buôn đồ điện tử từ Trung Quốc sang, quan tâm. Cảnh ngộ đặc biệt của Huyền đã khiến bà thương gia động lòng trắc ẩn, muốn giúp đỡ đưa Huyền về quê hương.

Nhưng ngay cả đất nước của mình tên gì, ở đâu Huyền cũng chẳng nhớ. May thay trong tiềm thức sâu thẳm của cô gái ấy vẫn còn vẳng lên mấy từ ít ỏi: “Việt Nam – Hồ Chí Minh”. Những từ này chẳng khác nào chiếc la bàn chỉ cho Huyền một hướng đi khi đang lạc giữa đại dương bao la.

Bà thương gia Trung Quốc phán đoán Huyền là người Việt Nam, nên đã hỏi cô có muốn về nước không? Huyền gật đầu. Thế rồi Huyền lên chiếc tàu thủy chở hàng điện tử, nhắm mắt đưa chân, phó mặc cho số phận. Huyền phải ngồi trong con-ten-nơ chở hàng.

Bóng tối dày đặc bao phủ. Nóng bức đến ngộp thở. Say sóng. Tất cả khiến cho cô gái nhỏ bé ấy càng thêm buồn tủi. Con tàu lênh đênh giữa đại dương bao nhiêu ngày Huyền chẳng biết, nhưng cũng đủ dài để cảm thấy mình là tù nhân của bóng tối trong chiếc hộp sắt kín như bưng.

Một ngày nọ, tàu đến Trung Quốc. Sau khi nghỉ ngơi vài ngày Huyền được bà thương gia đưa đến tận Lạng Sơn. Huyền qua cửa khẩu Tân Thanh, đặt chân lên đất Việt. Lúc ấy, cô cũng chẳng biết Việt Nam là một đất nước như thế nào, có khác gì Mỹ và Trung Quốc?

Điều mà cô nhận thấy rõ nhất: Nơi đây cô có cùng ngôn ngữ với mọi người. Nhưng giữa miền miên viễn này, cô bỗng có cảm giác giống như lúc bước chân ra khỏi bệnh viện ở Mỹ: không tiền, không chốn nương thân, không trí nhớ...Và đói.

Huyền thất thểu bước đi trên đường, gặp ai cũng hỏi một câu khiến cho người ta tưởng cô bị điên: “Anh ơi, chị ơi, có biết tôi là ai không? Làm ơn cho tôi biết tôi là ai?”.

Huyền hy vọng có ai đó nhận ra mình. Đáp lại là những cái lắc đầu, sự ngạc nhiên, giận dữ, thương hại... Nhưng Huyền vẫn không nản lòng, cứ lang thang ở Lạng Sơn với câu hỏi có thể khiến mình bị tống vào nhà thương điên.

Tiềm thức mách bảo Huyền tìm đến nhà chùa để xin miếng ăn, chỗ ngủ qua đêm và dường như đó là cách duy nhất để tránh những cạm bẫy ở tỉnh biên giới thường xẩy ra nhiều vụ bắt cóc, buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc.

Sau khi nghe Huyền kể hoàn cảnh, một nhà sư đã khuyên cô xuống Hà Nội sẽ dễ kiếm sống và có nhiều cơ hội tìm được gia đình hơn ở Lạng Sơn. Hà Nội ở đâu? Huyền hoàn toàn chẳng còn nhớ gì về Thủ đô, nới cô đã từng sống thời sinh viên nhưng vẫn quyết đi về hướng ấy. Đi bộ.

Đi bộ vì không có tiền đi xe ô tô và cũng vì một chút hy vọng mong manh: Có ai trên đường quốc lộ sẽ nhận ra mình chăng? Huyền vượt qua quãng đường gần hai trăm cây số mà trong tay không có một đồng.

Không hành lý. Đầu thế kỷ 21, giữa nườm nượp ôtô, xe máy trên quốc lộ, một người con gái ốm yếu, đầu gần như không còn tóc, cứ lầm lũi đi bộ về Hà Nội. Thân gái dặm trường, phía trước còn nhiều gian nan lẫn cạm bẫy...

No comments:

Post a Comment

You can use some HTML tags, such as <b>, <i>, <a>